Nghi vấn chính quyền dùng “chiêu trò” để chiếm đất của dân!

“Bẫy” qui hoạch!

Theo đơn khiếu nại của bà Trần Thị Thành (ngụ 67 Lý Thái Tổ, tổ 6, khu phố 2, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) gửi TC Môi trường và Đô thị Việt Nam, năm 1975, gia đình bà đến vùng đất hoang sơ Cây Gáo, thuộc huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai (nay là thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) theo chủ trương tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới. Thời gian đầu đặt chân đến vùng đất xa lạ, ngoài cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn mọi bề, gia đình bà còn phải đối mặt với bệnh tật, nhất là bệnh sốt rét. Bằng sức người và dụng cụ lao động thô sơ, họ đã vỡ từng nhát đất hoang, ngày qua ngày vun xới có được mảnh đất “cắm dùi”.

Bà Thành trên phần đất 5m do ông Vũ Lai hoán đổi

Qua bao gian lao, gia đình bà Thành khai phá được 2000m2 đất, gieo trồng bắp đậu tạm sống qua ngày. Năm 1983, UBND tỉnh Đồng Nai triển khai dự án xây dựng công trình Thủy điện Trị An. Người dân được chính quyền địa phương mời lên phổ biến chủ trương và vận động di dời. Mặc dù mảnh đất mới qua nhiều năm gắn bó với cuộc đời no đói nhưng họ vẫn vui vẻ, động viên nhau di dời.

Năm 1988, công trình thủy điện chính thức đi vào hoạt động. Những hộ dân bị di dời như bà Thành bỗng phát hiện phần đất khai hoang của họ không nằm trong phạm vi qui hoạch! Cùng với nhiều hộ dân trở lại khu đất cũ như hộ bà Lê Thị Mộng Thu, Đặng Thị Vân, Hồ Thị Chức, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Tâm…gia đình bà Thành cũng định vị thửa đất của mình và yêu cầu tiếp tục canh tác thì bị người khác ngăn cản, tranh chấp.

Lợi dụng việc người dân tản ra tìm kế sinh nhai, các ông như Nguyễn Văn Tân, ông Lê Quang Bộ, Nguyễn Văn Bốn, ông Lê Mộng Tiến lại đứng ra “chia nhau” mỗi người một thửa bằng việc đăng ký trong sổ Mục kê đất đai, tiện bề xin cấp GCN QSDĐ. Trong số 4 người này, hiện nay ông Lê Mộng Tiến, ngày 26/12/2003 đã được UBND huyện Vĩnh Cửu cấp GCN QSDĐ số X 293487.

Lộ diện các “ông chủ” mới

Bà Thành và các hộ dân rơi vào hoang mang khi biết được những người được cấp sổ đỏ nghi vấn là những người thân thích đã được cán bộ có chức quyền “cấy” tên vào sổ địa chính để chiếm dụng đất!

Hồ sơ và quá trình bà Thành đi khiếu nại

Về phía bà Thành và những người dân trở lại canh tác trên phần đất khai hoang của mình, UBND thị trấn Vĩnh An bắt đầu chèn ép bằng hàng loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thậm chí chính quyền đã lập các đoàn cưỡng chế, triệt hạ chòi lán và vu cho dân chiếm đất Nhà nước!

Trong các văn bản trả lời khiếu nại cho người dân, chính quyền địa phương biện bạch rằng, đất đã cấp cho người khác sử dụng nên không giải quyết việc đòi lại đất! Cụ thể, tại Tờ trình số 37 ngày 28/5/2012 của UBND thị trấn Vĩnh An thừa nhận diện tích đất tọa lạc tại tổ 1, khu phố 8 thuộc một phần tờ bản đồ số 60, 61, bản đồ địa chính thị trấn Vĩnh An thành lập năm 1998 do người dân trước đây khai hoang, nay do không nằm trong quy hoach công trình thủy điện. Diện tích đất này nay đã chia lô, đặt số thửa và đã có người đứng ra đăng ký vào sổ Mục kê đất đai, mỗi lô đất có diện tích trên dưới 500m2!

Bà Thành cũng như nhiều hộ dân khác bức xúc, vì sao đất đai cùng khai hoang, năm 1983 giao đất cho công trình thủy điện, đa phần người dân khi quay về đất cũ sản xuất thì bị cản trở, thậm chí bị hành hung, cưỡng chế. Trong khi đó, gia đình ông Huỳnh Bình thời ấy đương chức Phó Chủ tịch UBND xã Cây Gáo, anh em của ông như ông Huỳnh Nam, Huỳnh Lưu, gia đình phía bên vợ ông như Nguyễn Phú, nguyễn Quy, Nguyễn Quý, Nguyễn Phương đều lấy lại phần đất khai hoang của mình an toàn, tròn trịa và hiện nay tất cả những người này đang xây nhà, canh tác yên ổn?!

Trắng trợn chiếm đất!

Để hợp thức hóa vấn đề giao đất cho cán bộ, năm 1985, UBND xã Cây Gáo lấy lý do “Hưởng ứng kế hoạch phủ xanh đất trồng đồi trọc” đã giao phần đất trên của các hộ dân cho cán bộ Uỷ ban “buộc” cày cấy và trồng trọt. Còn hướng Tây của Lộ Soklu bấy giờ UBND Thị xã Vĩnh An phân lô cấp cho cho một số cán bộ làm nhà ở. Dựa vào các văn bản này, một số cán bộ chức quyền đã thu tóm diện tích đất của dân, phân lô, lập bản đồ giải thửa cấp quyền sử dụng cho anh em, con cháu thân thích, còn một số bán cho các hộ dân khác để thu lợi.

Mỏi mòn chờ đợi công lý

Ở một diễn biến khác, năm 1985, chấp hành chủ trương phát triển kinh tế của địa phương, tập đoàn sản xuất chuyển sang trồng nghệ thí điểm. Nhiều hộ dân bị buộc giao đất cho “dự án” này, riêng hộ bà Thành đã giao 4.500m2 đất (thuộc thửa 150, tờ bản đồ 95, tọa lạc tại ấp 1, khu phố 1) cho tập thể. Tuy nhiên sau đó “công trình” này phá sản!

Lợi dụng thời điểm tranh tối tranh sáng, Chủ tịch UBND xã Vũ Lai huy động người và xe cơ giới ngang nhiên cày xới đất dự án thành “bình địa”, rắp tâm xóa ranh giới đất để chiếm dụng. Y như rằng, một thời gian sau, mảnh đất “dự án” được cấp quyền sử dụng cho ông Nguyễn Văn Vẹn, Trưởng Khu phố 1, ông Nguyễn Văn Chấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, bà Bùi Thị Cúc, bà Ngôn. Diện tích đất còn lại, ông Lai chiếm dụng và hiện đang cho ông Đinh Sĩ Tốn, khu phố 2 thuê trồng tràm để che mắt mọi người!

Chưa hết, năm 1985, viện lý do xây dựng nơi làm việc cho Ban điều hành khu phố 2 chính quyền địa phương đã “mượn” 2.500m2 đất của gia đình bà Thành. Trụ sở này sử dụng được 2 năm thì di chuyển đến một nơi khác nhưng đất thì không trả lại. Lúc bất giờ, ông chủ tịch Vũ Lai, ông Nguyễn Văn Chắn thuê xe cơ giới san ủi xóa dấu vết ranh giới, mở rộng diện tích và ….chia nhau! Ông Nguyễn Văn Chắn chiếm 1,8ha, trong đó có 1.000m2 đất của bà Thành, diện tích đất còn lại, ông Vũ Lai chiếm nốt.

Quá uất ức, bà Thành khiếu tố cáo lên các cơ quan thẩm quyền. Thấy không thể bưng bít mãi nên ông Vũ Lai buộc phải lên tiếng xin bà Thành được “dàn xếp”! Qua nhiều đợt hòa giải, ông Vũ Lai xin được để nguyên hiện trạng đất đang chiếm dụng và “đổi” lại bằng 5m chiều dài mặt tiền đường Soklu.

Qua nhiều năm, mắt thấy đất đai liên tục bị rơi vào tay cán bộ cộng với việc thưa kiện quá mệt mỏi bà Thành đã chấp nhận yêu cầu của ông Lai. Thế nhưng, ông Vũ Lai lại nuốt lời, lấy cớ là gia đình, vợ con không đồng thuận! Tại Biên bản làm việc ngày 20/3/2020, gồm chính quyền, cơ quan chuyên môn, ông Lai nêu khó khăn nói trên và không ký vào biên bản! Thay vì giải quyết khiếu nại thì giới chức thẩm quyền lại cho bà Thành làm đơn, kê khai, lập hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền, sau thu nhận hồ sơ, cấp biên nhận rồi….im lặng luôn!

Qua xác minh, đối chiếu các tài liệu thu thập đươc, chúng tôi nhận thấy những người dân thấp cổ bé miệng và trung thực như bà Thành, bà Thu, bà Vân, bà Chức, bà Tâm… hết lần này đến lần khác bị chính quyền sở tại lợi dụng, chèn ép. Đất khai hoang đến đâu đều bị mất đến đó, trắng tay. Việc ông Tổng Giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp Thủy lợi 4 ồ ạt lập danh sách cấp quyền sử dụng đất không diện tích, giải thửa, cơ quan thẩm quyền cần phải hủy bỏ. Bởi, việc đăng ký tên vào sổ mục kê đất đai lỗi không do người đăng ký mà là lỗi ở đơn vị chuyên môn. Đáng quan ngại là nhiều trường hợp cán bộ chính quyền đưa người vào “tranh giành” đất do người khác khai hoang, gây bất bình trong công chúng và rối loạn kỷ cương phép nước.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Được biết ngày 10/7/2020, Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai đã có công văn số 1428/PC/BNCTU về việc chuyển đơn thư khiếu nại của các hộ dân đến Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu đề nghị chỉ đạo rà soát và giải quyết cho các hộ dân, đồng thời thông báo kết quả cho Ban Nội chính Tỉnh ủy biết trong tháng 8 năm 2020.