Những khu đất vàng đã được hóa giá rơi vào nhóm lợi ích ra sao?

Bằng việc đề xuất, xây dựng các dự án theo hình thức BT, và tham gia cổ phần hóa, Văn Phú Invest đã thâu tóm những khu “đất vàng” rất lớn ở Hà Nội và TP.HCM. Những dự án này đã mang lại nguồn lợi hàng nghìn tỷ đồng cho Văn Phú mỗi năm.

Ví như, ngày 23/12/2014, Bộ trưởng Bộ VHTTDL có Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hoá Công ty TNHH MTV In và Văn hoá phẩm. Theo đó, vốn điều lệ sau cổ phần hoá là 72 tỷ đồng, nhà nước thoái hết vốn, bán cho nhà đầu tư chiến lược 46,77%, IPO 46,77% và bán cho người lao động 6,6% còn lại.

Dự án 83 Hào Nam của Văn Phú với nhiều lùm xùm về việc cổ phần hóa khiến đất vàng rơi vào tay DN

Sự hấp dẫn của In và Văn hoá phẩm không gì khác ngoài lợi thế đất đai, với lô đất “vàng” 6.690,6 m2 là đất thuê 30 năm (1996-2026) tại 83 Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội), ngoài ra còn có 768 m2 đất thuê 20 năm tại Quận Thanh Xuân hay 9.555 m2 đất thuê 30 năm tại Hoài Đức, Hà Nội.

Cả 3 lô đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên do là đất thuê trả tiền hàng năm nên theo quy định hiện hành, không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hoá. Trên cơ sở đó, ngày 8/1/2015, Bộ VHTTDL có quyết định chấp thuận bán 46,77% vốn cho nhà đầu tư chiến lược là CTCP Thương mại Miền Bắc với giá 10.025 đồng/CP, tức là chỉ cao hơn 25 đồng so với mệnh giá.

CTCP Thương mại Miền Bắc là pháp nhân thuộc sở hữu của gia đình ông Tô Như Toàn – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Đầu tư Văn Phú Invest – một doanh nghiệp bất động sản và không liên quan nhiều đến hoạt động in ấn.

Không lâu sau đó, Văn Phú Invest đã giới thiệu và tiến hành xây dựng tổ hợp chung cư, nhà phố cao cấp tại 83 Hào Nam với tên gọi thương mại The Terra Hào Nam, có mức giá shophouse lên tới xấp xỉ 50 tỷ đồng.

Trường hợp của In và Văn hoá phẩm có nhiều nét tương đồng với “lùm xùm” ở VFS, khi nhà đầu tư chiến lược CTCP Thương mại Miền Bắc vào thời điểm nộp hồ sơ mới hoạt động được 10 năm, có vốn điều lệ tới đầu năm 2016 chỉ là 89 tỷ đồng, thấp hơn quy định trong Phương án cổ phần hoá là có vốn chủ sở hữu tối thiểu 300 tỷ đồng và ít nhất 15 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành in ấn.

Ngoài ra, theo quy định, sau 90 ngày từ khi chuyển thành công ty cổ phần, In và Văn hoá phẩm phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, giao dịch trên sàn UpCOM và tiến tới niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên sau hơn 4 năm, những quy định tưởng chừng chặt chẽ trong Phương án cổ phần hoá đến nay gần như bị “gạt” qua một bên với tính pháp lý vẫn là một dấu hỏi lớn.

Không chỉ nổi tiếng với các dự án bất động sản, Văn Phú Invest cũng là cái tên khá quen thuộc khi xuất hiện tại nhiều dự án hạ tầng trong cả nước; trong đó chủ yếu là các dự án BT (Xây dựng – Chuyển giao). Bằng việc đề xuất và xây dựng các dự án theo hình thức này, Văn Phú Invest đã thâu tóm hàng nghìn m2 “đất vàng” tại Hà Nội và TP.HCM.

Năm 2011, Văn Phú – Invest chính thức đặt chân vào lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản theo phương thức BT, đổi đất lấy hạ tầng khi ký hợp đồng BT thực hiện dự án xây dựng trường Đại học Kỹ thuật Hậu cần Công an Nhân dân – Bộ Công An. Bằng việc xây dựng dự án này, Văn Phú Invest đã nhận được quỹ đất 1,7ha đối ứng tại Cầu Giấy, Hà Nội.

Khu đất của Văn Phú Invest tại Giảng Võ được định giá nghìn tỷ hiện DN đã mang đi thế chấp ngân hàng

Tiếp đó, năm 2015, Văn Phú Invest ký hợp đồng BT thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới Trường Đại học Y tế Công cộng – Bộ Y tế, đổi lại đơn vị này cũng nhận được quỹ đất đối ứng tại địa chỉ 138B Giảng Võ, Q. Ba Đình, Hà Nội có diện tích 9.031m2.

Tại TP.HCM, cái tên Văn Phú Invest cũng góp mặt tại dự án đường kết nối Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1 (quận Thủ Đức).

Với thỏa thuận xây mới trường Đại học Y tế công cộng tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội theo hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT), CTCP đầu tư Văn Phú- Invest “thâu tóm” được mảnh đất vàng tại số 138 B, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.

Theo phê duyệt của Bộ Y tế dự án có quy mô đầu tư xây dựng khoảng 40.000m2 sàn, tổng mức đầu tư là 643,8 tỷ đồng, đáp ứng được quy mô đào tạo cho gần 4.000 sinh viên… Sau 2 giai đoạn triển khai, diện tích mặt sàn xây dựng vào khoảng100.000m2.

Văn Phú Invest sẽ xây trường đại học tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội (trước đây là Khu đô thị Đại học thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm). Công trình dự kiến sẽ được nhà đầu tư bàn giao vào năm 2016.

Nguồn vốn BT để thực hiện dự án được đối ứng bằng nguồn kinh phí bán cơ sở nhà đất mà trường Đại học Y tế công cộng hiện đang quản lý sử dụng tại số 138 B, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội. Tổng diện tích khu đất rộng khoảng 15.600m2.

Cuối 2017 một ngân hàng có quan hệ tín dụng với Công ty TNHH MTV Văn Phú Giảng Võ (Công ty con của Công ty cổ phần đầu tư Văn phú – Invest) định giá khu đất 138B Giảng Võ trị giá gần 1.700 tỷ đồng.

Với mức định giá của ngân hàng như vậy, nếu Văn Phú – Invest chuyển nhượng khu đất vàng 138B Giảng Võ ngay tại thời điểm hiện tại có thể thu về khoản lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng ngay lập tức mà không cần phải đầu tư xây dựng hạ tầng cũng như các công trình khác. Đây có thể nói là một món hời lớn cho Văn Phú – Invest khi bỏ ra hơn 643 tỷ cho dự án BT Đại Học Y tế Công Cộng để thu lời hơn 1.000 tỷ.

Liên quan đến việc xây dựng các dự án BT của Văn Phú, ngày 18/8/2017, Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành Kết luận Thanh tra số 417/KL-TTr về công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Y tế Công cộng với nhiều nội dung sai phạm.

Chưa dừng lại đó, những nghi ngờ về câu chuyện lợi ích nhóm và sự ưu ái bất thường đối với doanh nghiệp này trên địa bàn Hà Nội đang khiến dư luận đặt nhiều vấn đề.

Tại Hội nghị “Hà Nội 2018 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển” Hà Nội đã chính thức trao quyết định đầu tư dự án BT “Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông” cho liên danh Công ty CP đầu tư Văn Phú Invest và Công ty CP Đầu tư Hải Phát đầu tư.

Theo đó, dự án được đầu tư với kinh phí là 1.961 tỷ đồng theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Để hoàn vốn đầu tư dự án BT này, liên danh Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest và Công ty CP Đầu tư Hải Phát được nhận 6 khu đất đối ứng rộng khoảng 68 ha, gồm: Khu đô thị Bắc Lãm (41,84 ha), khu chức năng đô thị Kiến Hưng (7,568 ha), khu nhà ở Phú Lãm (12,92 ha), khu nhà ở Hà Cầu (2,3 ha), khu nhà ở Dương Nội (2,55 ha) và khu nhà ở cao tầng Kiến Hưng (0,998 ha).

Dự án này được Hà Nội đề xuất từ năm 2009 và Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng 7 tuyến đường kết nối khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn quận Hà Đông theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT) vào đầu năm 2010.

Nhà đầu tư sẽ xây dựng đồng bộ 5 tuyến đường (tuyến 2, 3, 4, 6, 7) với tổng chiều dài khoảng 6,2 km, mặt cắt ngang từ 17 – 40m, thuộc địa bàn các phường Văn Quán, Phúc La, Kiến Hưng, Phú Lãm, Phú Lương, Dương Nội, quận Hà Đông và 2 xã Đông La, La Phù, huyện Hoài Đức.

Hiện nay các dự án BT đang tạm ngưng triển khai và rà soát theo quy định của chính phủ.

Kết quả kiểm toán 29 dự án BT tại các địa phương, trong đó thành phố Hà Nội có 5 dự án, Bắc Ninh và TPHCM mỗi địa phương 4 dự án, kiểm toán phát hiện hầu hết các dự án đều chỉ định nhà đầu tư; có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công. Các dự án chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư, chuyển đổi hình thức đầu tư từ sử dụng vốn ngân sách nhà nước sang hình thức đối tác công tư (PPP).

Liên quan đến việc xác định tổng mức đầu tư, trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các dự án xác định tổng mức đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế triển khai.

Đáng lưu ý còn tình trạng phê duyệt diện tích và giá đất tạm tính vượt giá trị dự án BT. Hà Nội giao đất trước khi dự án BT hoàn thành không đúng quy định và giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai 2013.

Kỳ tời: Chân dung ông chủ Văn Phú Invest và những lỗ hổng cơ chế

Hoàng Nhân (TH)/Sở hữu trí tuệ