Sai phạm nào khiến Phó Chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến bị khởi tố?

Sáng 11/7, Cơ quan cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an thực hiện trình tự tố tụng, tiến hành tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 5 quan chức, cựu quan chức của sở, ban, ngành và UBND TP. HCM trong đó có Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Việc khởi tố những bị can này nằm trong quá trình mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI).

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng giám đốc; ông Vân Trọng Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên; bà Nguyễn Thị Thúy, nguyên Kế toán trưởng và ông Nguyễn Thành Mỹ, nguyên Phó trưởng phòng KH-ĐT SAGRI.

SAGRI là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước, thuộc UBND TP.HCM, hoạt động theo mô hình công ty “mẹ – con”. Năm 2010, SAGRI chuyển thành công ty TNHH MTV, gồm 6 đơn vị trực thuộc, 9 công ty con, 14 công ty liên kết và 1 công ty liên doanh. Những năm gần đây, doanh thu toàn hệ thống SAGRI hơn 3.000 tỉ đồng/năm.

Trước đó, cuối năm 2019, Thanh tra TP HCM đã có kết luận, chỉ ra nhiều sai phạm tại SAGRI.

Theo kết luận thanh tra và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, tại SAGRI xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong việc sử dụng sai 1.900 ha đất thông qua việc góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên các khu đất được giao quản lý không đúng quy định pháp luật; chuyển nhượng đất dự án “giá bèo” (điển hình là phi vụ chuyển nhượng dự án phát triển nhà ở tại KP.4, P.Phước Long B, Q.9; chuyển nhượng hơn 3,6 ha đất tại xã Cửa Cạn, H.Phú Quốc, Kiên Giang).

Ông Trần Vĩnh Tuyến đã sai phạm thế nào?

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Trần Trọng Tuấn – phó chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM bị khởi tố do liên quan đến những vi phạm tại dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM (dự án nhà ở Phước Long B) lúc đầu do Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH-MTV (SAGRI) làm chủ đầu tư.

Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: Internet.

Cụ thể, khu đất thực hiện dự án này diện tích hơn 3,6ha được UBND TP chấp thuận chủ trương chuyển mục đích để xây dựng chung cư và SAGRI làm chủ đầu tư từ năm 2009.

Trước đó, tháng 10/2008, SAGRI đã ký với Tổng công ty cổ phần Phong Phú hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án Phước Long B. Trong đó tỉ lệ vốn góp và lợi nhuận được chia theo tỉ lệ SAGRI 28% và Công ty Phong Phú 72%.

Tháng 6/2016, dự án được phê duyệt. Tuy nhiên, chỉ gần 2 tháng sau SAGRI lại ký thỏa thuận về giá trị chuyển nhượng dự án với Công ty Phong Phú. Thực chất việc chuyển nhượng này là SAGRI chuyển nhượng 28% vốn góp – là quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Công ty Phong Phú.

Việc chuyển nhượng không qua đấu giá và không thẩm định để xác định giá thị trường là không đúng quy định tại Nghị định 91 năm 2015 (về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp).

Tuy nhiên, khi nhận được hồ sơ xin chuyển nhượng dự án của SAGRI, tháng 11-2017, ông Trần Trọng Tuấn lúc đó là giám đốc Sở Xây dựng đã ký tờ trình gửi UBND TP khẳng định việc chuyển nhượng dự án đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP chấp thuận cho SGARI chuyển nhượng dự án.

Từ tờ trình của Sở Xây dựng, ông Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án cho Công ty Phong Phú.

Liên quan đến giá chuyển nhượng dự án này, Thanh tra TP cũng đã kết luận việc SAGRI chuyển nhượng dự án cho Công ty Phong Phú với giá khoảng 168,2 tỉ đồng, tương đương khoảng 10,5 triệu đồng/m2 là thấp hơn giá Công ty Phong Phú huy động vốn của khách hàng từ năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và thấp hơn giá chuyển nhượng dự án liền kề tại thời điểm chuyển nhượng dự án (hơn 29 triệu đồng/m2). Thanh tra TP đã kiến nghị UBND TP chấp thuận cho SAGRI hủy hợp đồng chuyển nhượng dự án.

Tháng 7/2019, UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định trước đây đã chấp thuận cho chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9. Sagri và Tổng công ty cổ phần Phong Phú phải trả, chuyển giao những gì đã nhận của nhau.

Tuy nhiên, việc này đã không được thực hiện do sai phạm trong vụ việc chuyển nhượng này đang được Bộ Công an điều tra sau khi khởi tố, bắt tạm giam bị can Lê Tấn Hùng, 56 tuổi, nguyên tổng giám đốc SAGRI và Nguyễn Thành Mỹ, 60 tuổi nguyên phó trưởng phòng kế hoạch – đầu tư vào ngày 6/7/2019 về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Hàng loạt sai phạm tại các dự án sử dụng đất công

Về những sai phạm liên quan đến SAGRI, trước đó, hồi cuối năm 2019, Thanh tra TPHCM chỉ ra hàng loạt thiếu sót, khuyết điểm.

Cụ thể, việc SAGRI và Công ty Bò sữa sử dụng mặt bằng khu đất để góp vốn liên doanh là vi phạm Luật đất đai 2013. Công ty Bò sữa bàn giao đất cho để hợp tác sản xuất nông nghiệp khi chưa được UBND TP chấp thuận giao đất, chưa thực hiện thủ tục thu hồi đất là vi phạm về mục đích sử dụng đất.

Về quản lý sử dụng nhà đất, việc SAGRI sử dụng các mặt bằng, nhà đất hợp tác kinh doanh khai thác mặt bằng, giữ hộ hàng hóa nhưng thực chất là cho thuê lại một phần hoặc toàn bộ diện tích, là sử dụng không đúng phương án xử lý tổng thể nhà, đất của UBND TP, không đúng đối tượng, mục đích sử dụng đất theo quyết định giao đất, cho thuê đất của UBND TP và không đúng Luật Đất đai.

Hàng loạt sai phạm đã xảy ra tại Sagri.

Sagri đồng ý cho Phong Phú thay thế Công ty Hồng Lĩnh và ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Phong Phú để tiếp tục thực hiện dự án nhưng không xin ý kiến của UBND TP là thực hiện không đúng chỉ đạo của UBND TP tại Văn bản số 734/2008.

Bởi dự án này chưa thực hiện hạ tầng kỹ thuật (chỉ san lấp một phần diện tích khoảng 30ha/89.444ha), do đó không đủ điều kiện chuyển đổi chủ đầu tư.

Hơn nữa, dự án đã được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2004 nhưng đến thời điểm thanh tra chưa triển khai thực hiện, là lãng phí đất đai.

Về việc chuyển nhượng đất tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, người đại diện vốn SAGRI thực hiện biểu quyết việc chuyển nhượng tổng diện tích hơn 3,6ha tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tại Công ty CP Lâm nghiệp Sài Gòn, trước khi có tờ trình báo cáo xin ý kiến Hội đồng Thành viên Tổng Công ty, là vi phạm Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, vi phạm hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang.

Theo kết luận thanh tra, Công ty cổ phần Lâm nghiệp Sài Gòn – FORIMEX (SAGRI góp 26,21% vốn) còn bán hơn 3,6ha đất trồng cây lâu năm ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) với giá 280.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường của khu đất là khoảng 3 triệu đồng/m2.

P.V (tổng hợp)