Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 20/4/2020

Gỡ vướng cho đầu tư bất động sản

Hiện nay, hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản đang được điều tiết bởi Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư… Tuy nhiên, nhiều quy định trong các luật đang bộc lộ sự chồng chéo, vướng mắc, bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đơn cử là việc chủ đầu tư dự án khu đô thị mới phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở. Nhưng đồng thời cũng phải làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị (thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị).

Nhiều doanh nghiệp đã phản ánh, xét về yêu cầu, nội dung hồ sơ, 2 thủ tục này gần như giống nhau, trong khi doanh nghiệp mất thêm thời gian, chi phí thực hiện. Điều này gây phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư.

Từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh. Con số này cần được hiểu không chỉ là cắt giảm về số lượng thủ tục hành chính mà còn phải cắt giảm về mặt thời gian triển khai thủ tục. Bởi thực tế, như ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn cầu phản ánh, nhiều nơi mới cắt giảm về số lượng thủ tục, nhưng thời gian thực hiện sau khi đã cắt giảm thì không thay đổi, thậm chí có trường hợp còn kéo dài hơn.

Do vậy, để giải quyết vấn đề này cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương từ khâu soạn thảo quy định. Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử là để góp phần công khai, minh bạch quy trình xử lý thủ tục hành chính, nhưng chỉ đạt hiệu quả nếu kết hợp với gỡ bỏ những chồng chéo, bất cập.

Xây dựng trái phép ở khu di tích núi Bà Đen, Tây Ninh

Người dân đang sinh sống tại khu vực Ma Thiên Lãnh (thuộc quần thể núi Bà Đen – Tây Ninh) phản ánh, chùa Quan Âm (hay còn gọi là động Ba Cô) vừa đổ sàn bê tông với diện tích hàng trăm mét vuông và xây bờ kè khi chưa có giấy phép xây dựng.

Nhận được thông tin, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đã kiểm tra, lập biên bản vụ việc chùa Quan Âm gia cố, đổ sàn bê tông dọc theo chân móng chùa.

UBND tỉnh Tây Ninh đã giao Sở VH-TT-DL lập đoàn kiểm tra hiện trạng và cho biết, khu vực chùa Quan âm thuộc khu vực bảo vệ II – Di tích lịch sử, văn hóa, du lịch thắng cảnh núi Bà Đen. Đây là di tích cấp quốc gia, việc xây dựng công trình phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL.

Điều tra vụ rao bán đất ảo để lừa tiền

Ngày 19/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM cho biết đang điều tra vụ việc một số cá nhân tố cáo ông Phạm Ngọc Anh (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Nam Việt Homes, trụ sở tại quận 1, TPHCM) có dấu hiệu “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đơn tố giác, Nam Việt Homes thông qua một công ty môi giới bất động sản, rao bán đất nền dự án Citivas Linh Đông ở địa chỉ 770 Kha Vạn Cân, phường Linh Đông, quận Thủ Đức.

Nhân viên công ty môi giới bất động sản phát tờ rơi, giới thiệu và trực tiếp tư vấn cho khách hàng rằng dự án này do Nam Việt Homes làm chủ đầu tư, đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ pháp lý và sẽ hoàn thành việc giao nền trong tháng 6-2018.

Tin lời, một số khách hàng đã ký hợp đồng thỏa thuận đặt cọc với Nam Việt Homes, mua 3 lô đất với tổng trị giá đặt cọc hơn 10 tỷ đồng. Sau khi đặt cọc xong, khách hàng phát hiện tại địa chỉ trên không tồn tại dự án như đã được quảng cáo, rao bán.

Kết quả xác minh cho thấy hiện ông Phạm Ngọc Anh không có mặt ở nơi cư trú.

Đồng Nai: Hơn 3.040ha đất dành cho phát triển công nghiệp

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh, trong kế hoạch sử dụng đất năm 2020, Đồng Nai có hơn 3.040ha đất dùng để phát triển công nghiệp ở các địa phương trong tỉnh. Trong đó có đất để mở rộng đầu tư mới các khu công nghiệp, đất quy hoạch thực hiện các cụm công nghiệp. Trong năm 2020, có 2 khu công nghiệp mới là Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành (H.Long Thành) khoảng 410ha; Khu công nghiệp Cẩm Mỹ (xã Thừa Đức, H.Cẩm Mỹ) rộng 300ha.

Địa phương dành nhiều đất để phát triển công nghiệp nhất là H.Long Thành 750ha, tiếp đến là H.Trảng Bom gần 590ha và xếp thứ ba là H.Thống Nhất với 370ha. Hiện nay, Đồng Nai có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy là hơn 80%, trong khi nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài muốn thuê đất công nghiệp để xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất và đầu tư mới vẫn còn khá lớn. Các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2020 là cơ sở để lên kế hoạch thu hồi đất và triển khai dự án theo quy hoạch. Tuy nhiên, hiện nay việc thu hồi đất cho các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn vì giá đất khá cao.

P.V (tổng hợp)