Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/7/2020

Phát hiện 51 căn nhà tiền chế, nhà tạm xây “lụi” ở vùng ven TP.HCM

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo UBND Thành phố về việc xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch quy mô lớn xảy ra tại Khu dân cư Bình Đức thuộc khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Việc xử lý này xuất phát từ phản ánh của người dân địa phương.

Theo đó, thời gian qua, người dân Khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức bức xúc trước tình trạng hàng chục căn nhà tiền chế được sử dụng làm nhà kho “mọc như nấm” tại Khu dân cư Bình Đức. Những công trình xây dựng sai quy hoạch này trong thời gian dài nhưng vẫn chưa bị xử lý.

Theo VietnamNet, tại các tuyến đường trong Khu dân cư Bình Đức như đường số 1A, đường số 6, đường số 8… đang tồn tại hàng chục căn nhà tiền chế được xây dựng bằng khung thép, lợp mái tole. Đa số công trình này được sử dụng làm nhà kho, cửa hàng ăn uống.

Khu dân cư Bình Đức gồm có 3 dự án thành phần, đó là: Dự án nhà ở của Công ty Kinh doanh và Phát triển Nhà Bình Dân được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào ngày 19/11/2002; dự án nhà ở do Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) được thoả thuận thiết kế kiến trúc vào ngày 17/4/2008 của UBND quận Thủ Đức; và dự án nhà ở 4ha của của Thủ Đức House được thẩm định thiết kế cơ sở ngày 8/1/2016.

Dự án đô thị 2.500 ha có thể khiến 1 triệu người Campuchia bị ngập lụt

Một báo cáo được thực hiện bởi liên minh các nhóm nhân quyền và quyền đất đai địa phương công bố hôm 27/7 cho biết từ năm 2004, các chủ công trình với sự hậu thuẫn của chính phủ đã bắt đầu phá hủy dần vùng đất ngập nước rộng 1.500 ha ở thủ đô của Campuchia.

Vùng đất ngập nước Tompoun/Cheung Ek nằm ở phía nam Phnom Penh đóng vai trò quan trọng với thủ đô. Nơi đây chứa 70% nước mưa, nước thải và cung cấp sinh kế cho hơn 1.000 gia đình sống, trồng trọt và đánh bắt cá trong khu vực.

Nhà đầu tư lấp những khu đất ngập nước bằng cát được nạo vét từ sông Mekong và sông Bassac để chuẩn bị xây dựng một thành phố vệ tinh rộng 2.500 ha. Thành phố này được đặt tên là “Thành phố ING” – dự án phát triển lớn nhất ở Campuchia, theo Guardian.

Báo cáo này cảnh báo dự án phát triển thành phố ING và các dự án khác sẽ phá hủy 90% đất ngập nước, gây ra thiệt hại môi trường chưa từng thấy và khiến hàng trăm gia đình có thể phải di tản.

Báo cáo cho biết việc phá hủy các vùng đất ngập nước sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của một đến hai triệu người, trong đó, một triệu người dân ở Phnom Penh có nguy cơ phải sống với lũ lụt”.

Chính phủ Campuchia hy vọng rằng nhà máy xử lý nước thải trị giá 26 triệu USD được Nhật Bản tài trợ sẽ bù đắp cho việc mất vùng đất ngập nước. Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo nhà máy chỉ xử lý 2% nước thải chảy vào vùng đất ngập nước và đây là một giải pháp thay thế “vô cùng không thực tế”.

Báo cáo cũng cho biết việc khai thác cát khoảng 100 triệu tấn cát để lấp đầy đất ngập nước cũng có liên quan đến các vụ sạt lở bờ sông Mekong.

“Nếu thành phố không có kế hoạch thích hợp để giảm thiểu điều đó, hơn một triệu người sẽ bị ảnh hưởng, chưa tính đến nước thải chưa qua xử lý có thể chảy trực tiếp vào sông”, ông Eang Vuthy, giám đốc điều hành của Equitable Campuchia, nói với Guardian.

Bất động sản toàn cầu giảm 33% vì đại dịch

Khu vực châu Á – Thái Bình Dường chịu tác động mạnh nhất, khi giá trị đầu tư bất động sản giảm 45% so với cùng kỳ năm 2019, nguyên nhân bởi đây là khu vực đầu tiên bùng phát đại dịch và đã phần nào phản ánh rõ ràng vào thị trường, theo báo cáo của Savills Plc. Hoạt động đầu tư giảm 36% tại Mỹ, 19% tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

“Hoạt động đầu tư được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với trước khi đại dịch diễn ra cho tới cuối năm 2020, bởi nhà đầu tư chờ đợi những thông tin rõ ràng hơn”, Simon Hope, người đứng đầu thị trường vốn toàn cầu của Savills nói và cho biết thêm, dù vậy, một số lĩnh vực được kỳ vọng sẽ có màn biểu diễn vượt trội hơn, bởi giới đầu tư luôn có nhu cầu tìm tài sản sinh lời hoặc phòng hộ rủi ro. Các phân khúc có thể kể tới như bất động sản logistics, bất động sản dân cư và công nghệ.

Nền kinh tế toàn cầu chịu tổn thương bởi đại dịch Covid-19. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm nay. Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng IMF nhận định, những thiệt hại tích luỹ trong năm 2020 và 2021 đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức 12.500 tỷ USD.

Bối cảnh kinh tế hiện tại không tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản. Tuy nhiên, tốc độ suy giảm của hoạt động đầu tư bất động sản vẫn chưa nghiêm trọng như thời điểm bắt đầu khủng hoảng kinh tế nửa đầu năm 2008, khi hoạt động đầu tư giảm tới 49% và tiếp tục rơi cho tới giữa năm 2009.

Với việc ngành du lịch đã đóng băng hàng tháng vì các quy định giãn cách, hạn chế đi lại, đầu tư vào khách sạn là phân khúc lao dốc mạnh nhất khi giảm 59% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng thứ hai là mức giảm 41% của bất động sản bán lẻ. Trong khi đó, phân khúc bất động sản công nghiệp và nhà ở khá hơn.

Một trong những điểm sáng của thị trường là mức tăng 105% của hoạt động đầu tư bất động sản dân cư tại châu Á, trong đó động lực chính tới từ thương vụ Blackstone Group mua hàng loạt căn hộ tại Nhật Bản từ Anbang Insurance Group với giá trị gần 3 tỷ USD.

P.V (tổng hợp)