Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/4/2020

Đất nền, nhà phố sẽ là tâm điểm trong quý II-2020

Nguồn cung mới trong quý II từ các dự án BĐS đủ điều kiện gia nhập thị trường dự báo sẽ không có nhiều. Ở mỗi địa phương, có thể tổng dự án mới chỉ đạt ở mức một con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước.

Trong đó, thị trường nhà, đất và đất nền vẫn sẽ là sản phẩm chủ đạo tại nhiều tỉnh/thành, ngoài Hà Nội và TP.HCM. Giao dịch dự báo sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Về giá bán, dự báo giá nhà ở phân khúc bình dân và trung cấp không tăng vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu. Một phần do ảnh hưởng từ dịch bệnh, phần nữa do lượng hàng tồn kho cũng không nhiều. Riêng phân khúc căn hộ cao cấp, giá có thể giảm do lực bán chậm cả từ giai đoạn trước và sau thời điểm dịch.

Trong khi đó, giá nhà, đất và đất nền phụ thuộc vào chất lượng, tiến độ phát triển đô thị cũng như số lượng phát triển nguồn cung ở từng địa phương. Khu vực nào có sự đầu tư phát triển đô thị, kinh tế tốt, nguồn dự án chưa nhiều, giá đất trước đó được kiểm soát tốt sẽ tiếp tục giữ giá và có thể tăng nhẹ. Ngược lại, khu vực nào đang tồn nhiều hàng và tốc độ phát triển kinh tế, đô thị không tương xứng thì giá bán có thể giảm.

Quý II vẫn diễn ra trạng thái “ngủ đông” đối với thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Nếu tháng 5, tháng 6, Việt Nam ngăn chặn thành công sự lây lan của COVID-19 thì phân khúc này mới có thể dần hồi phục.

Tương tự, theo đánh giá của DKRA Việt Nam, đất nền vẫn khan hiếm và không có nhiều dự án mới mở bán. Trước tác động của dịch bệnh, sức cầu chung của thị trường tiếp tục suy giảm do áp lực tài chính và tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư.

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung có thể sẽ tăng nhẹ so với quý I, dao động khoảng 2.000-2.500 căn. Khu Đông và khu Nam tiếp tục duy trì tỉ trọng lớn trong cơ cấu nguồn cung mới.

Ngược lại, nguồn cung mới nhà phố và biệt thự có thể sẽ giảm, dao động ở mức 400-500 căn, tập trung ở một số dự án có quy mô lớn ở khu Đông và khu Nam.

Hà Nội: Công suất phòng khách sạn giảm mạnh

Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ tháng 2/2020 tới nay, chỉ tính riêng ở 2 quận Hoàn Kiếm và Đống Đa đã có 151 cơ sở khách sạn phải tạm đóng cửa. Doanh thu phòng trung bình phía Tây Thủ đô giảm 43%, cuối tháng 3, do giải F1 Vietnam Grand Prix bị tạm hoãn dẫn đến nhiều khách sạn bị hủy đặt phòng.

Lượng khách du lịch giảm sâu, Hà Nội có khoảng 3,85 triệu lượt khách, giảm 47,2% so với cùng kỳ năm 2019, thấp nhất trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Lượng khách quốc tế chỉ đạt 956.000, giảm 43,9%, khách nội địa giảm 48,2% còn 2,89 triệu khách. Khách quốc tế lưu trú chỉ đạt 756,000, giảm 36,9%.

Khách quốc tế lưu trú đến từ Trung Quốc giảm 78,1% theo năm, Hàn Quốc giảm 52,1% và Nhật Bản giảm 33,3%. Trong tháng 3/2020, tổng lượt khách du lịch tới Hà Nội giảm 87,4% so với cùng kỳ xuống còn 321.390 lượt. Tổng doanh thu du lịch Hà Nội quý này là 15.687 tỷ đồng, giảm 38,8% so với cùng kỳ.

Từ việc khách du lịch giảm mạnh đã khiến cho công suất khách sạn 3 – 5 sao giảm xuống 55%. Riêng trong tháng 3, các biện pháp cách ly do dịch bệnh được tăng cường tại TP, công suất khách san 3 – 5 sao giảm xuống chỉ còn dưới 30%.

Hoạt động của các khách sạn 3 – 4 sao giảm mạnh nhất khi doanh thu phòng trung bình giảm 60%, chủ yếu là do sự sụt giảm của khách tham quan, du lịch tới Hà Nội. Vào tháng 3, nhiều khách sạn hạng sao thấp đã phải đóng cửa tạm thời và cho nhân viên tạm nghỉ. Trong khi đó, khách sạn 5 sao, công suất phòng trung bình giảm 32%. Giá phòng trung bình đạt 127 USD/phòng/đêm, giảm 13%, dẫn đến doanh thu phòng trung bình giảm 46%.

“Khu vực trung tâm và khu vực nội thành bị ảnh hưởng mạnh, việc thiếu vắng khách du lịch và các địa điểm tham quan trong TP đóng cửa ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ sở lưu trú tại các khu vực này. Doanh thu phòng trung bình tại các khu vực nội thành giảm 1%, trong khi các khu vực trung tâm giảm 49% theo năm”, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam Troy Griffiths cho hay.

Chuyển cơ quan CSĐT nguyên lãnh đạo TP. Bảo Lộc giao đất tái định cư sai đối tượng

Ngày 27/4, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng vừa có thông báo kết luận thanh tra số 395/TB-TTr về thanh tra việc giao đất ở tái định cư và giao đất ở không qua hình thức đấu giá đối với 84 hộ tại địa bàn TP. Bảo Lộc.

Kết luận thanh tra xác định, ông Nguyễn Quốc Bắc – Nguyên Chủ tịch UBND TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, trong quá trình thực hiện đã có sai phạm trong việc giao đất ở tái định cư và đất ở không qua hình thức đấu giá.

Cụ thể, tháng 2/2015, nguyên Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc đã giao đất ở tái định cư cho 18 trường hợp (20 lô đất) trái quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Giao đất ở không qua đấu giá cho 42 trường hợp (51 lô đất) không đủ điều kiện, trong đó có 4 trường hợp giao vượt hạn mức đất, là trái quy định của Luật Đất đai 2013.

nói trên, khi thẩm định hồ sơ thì Phòng TN&MT TP. Bảo Lộc khẳng định các trường hợp này không đủ điều kiện bố trí tái định cư và giao đất không qua đấu giá. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Bắc vẫn ký 59 quyết định giao đất và chỉ đạo ông Lê Trọng Tuấn – Phó Chủ tịch UBND Thành phố ký 1 quyết định giao đất.

Ngoài ra, mặc dù không có chức năng tham mưu giao đất nhưng ông Nguyễn Quốc Bắc vẫn giao cho Trung tâm tư vấn, đầu tư – xây dựng và phát triển quỹ đất Thành phố thực hiện công việc này. Quá trình thực hiện, trung tâm này không trình thẩm định, phê duyệt với 24 phương án và xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung sau khi triển khai dự án lại không phù hợp với phương án ban đầu, là không đúng quy định.

“Không thông báo cho người có đất thu hồi về dự kiến phương án bố trí tái định cư và niêm yết công khai là vi phạm khoản 1, 2 Điều 86 Luật Đất đai 2013 về bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở”, thông báo kết luận thanh tra nêu.

Từ những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND Lâm Đồng giao Sở Nội vụ đôn đốc và tham dự họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm lãnh đạo UBND TP. Bảo Lộc qua các thời kỳ. Tổng hợp báo cáo tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo kiểm điểm theo quy định.

Đồng thời, chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. Bảo Lộc kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với thủ trưởng, cá nhân các phòng ban có liên quan trong việc tham mưu giao đất.

Đề nghị chuyển công an điều tra vụ san gạt đất núi ở Vũng Tàu

Ngày 28/4, ông Phan Trung Việt, Phó Chủ tịch UBND Phường 1, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, địa phương đã báo cáo thành phố việc ông Nguyễn Thế Bình, ngụ số 70 đường Bi Va nhiều lần vi phạm san gạt đất núi trái phép.

Cụ thể, vào ngày 27/4, lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện ông Nguyễn Thế Bình dùng xe tổ chức san gạt đất núi tại thửa đất số 48, tờ bản đồ số 45, tọa lạc tại số 70, đường Bi Va, gây hậu quả hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình đất tại khu vực này.

Trước đó, vào ngày 16/3/2020 cũng tại vị trí nêu trên lực lượng chức năng cũng đã phát hiện ông Bình có hành vi khai thác khoáng sản trái phép với khối lượng trên 50m3 đất.

Đến ngày 19/3/2020, UBND thành phố Vũng Tàu tiến hành xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Thế Bình với số tiền 45 triệu đồng. Qua đó cũng yêu cầu ông Bình cam kết khắc phục và thực hiện san gạt trong diện tích được thi công xây dựng theo giấy phép được cấp.

P.V (tổng hợp)