Trồng cây có thể giảm phản quang kính cao ốc dát vàng?

Đó là tòa nhà trung tâm thương mại và văn phòng dịch vụ SHB Đà Nẵng, đường Nguyễn Văn Linh và tòa nhà Risemount Apartment Đà Nẵng, đường Như Nguyệt.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng Lê Tùng Lâm, công trình dự án Văn phòng tại lô A2.1 đường Nguyễn Văn Linh của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB) làm chủ đầu tư, kính đặt bề ngoài công trình là màu xanh, nhưng chủ đầu tư lại tự ý thay đổi thành màu vàng.

Tương tự, tổ hợp khách sạn căn hộ P.A Tower tại lô A2-1, A2-2 đường Như Nguyệt của Công ty Cổ phần PAVNC là Chủ đầu tư cũng bị thay đổi phần kính từ màu xanh sang “dát vàng”, gây chói mắt cho người dân.

Việc các chủ đầu tư tự ý lắp đặt kính màu vàng thay thế màu xanh không đúng phương án kiến trúc đã được chấp thuận, là vi phạm về quản lý kiến trúc công trình trên địa bàn thành phố.

Được biết, chủ đầu tư tòa nhà Risemount là Công ty Pavnc Risemount (thành viên Tập đoàn Vicoland). Trước kết luận của Sở Xây dựng rằng chủ đầu tư dùng kính vàng trong khi hồ sơ thiết kế nêu dùng kính xanh, một lãnh đạo Vicoland nói hồ sơ thiết kế tòa nhà này chỉ nêu vật liệu kính, không nêu rõ màu kính gì.

Lãnh đạo Vicoland cho biết, đang tính toán trồng thêm cây xanh, nghiên cứu lắp rèm che và giãn mật độ các ô kính để giảm bớt việc phản chiếu ánh sáng.

Công trình Tổ hợp khách sạn căn hộ P.A Tower. Ảnh: Báo Thanh niên.

Buộc phải thay lại toàn bộ kính

Tuy nhiên, chia sẻ với báo Đất Việt về phương án đề xuất của chủ đầu tư, KTS Phan Đức Hải – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng, phương án trên không khả thi vì nhiều lý do.

Thứ nhất, tòa nhà quá cao, mặt kính phổ rộng, độ phản quang từ kính quá lớn, nhất là khi người dân lưu thông từ hướng cầu Rồng vào thành phố sẽ bị ánh sáng chiếu thẳng vào mắt, rất khó chịu.

Thứ hai, độ chói từ tòa nhà không xuất phát tại một điểm mà tùy thuộc vào độ cao, sự di chuyển của con người cũng như tùy vào ánh chiếu của mặt trời tại từng thời điểm trong ngày.

Nhiều người dân lưu thông trên các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Như Nguyệt đều có cùng cảm nhận là bị ánh sáng chiếu thẳng vào mắt gây khó chịu, có nguy cơ rất lớn về an toàn giao thông.

Từ những phân tích nêu trên, vị KTS cho biết muốn xử lý thỏa mãn, triệt để được vấn đề bắt buộc phải thay lại toàn bộ kính.

Vì như đã nói, độ chói của tòa nhà không tập trung ở một điểm, hơn nữa, càng lên cao độ phản quang càng mạnh vì thế, đề xuất trồng cây xanh ở tầng thấp của chủ đầu tư chỉ là một giải pháp chứ không giải quyết được vấn đề. Nếu trồng cây cao vẫn phải bảo đảm về khoảng cách giữa các cây, do đó, ánh sáng chói chỉ bị hạn chế nhưng vẫn phản chiếu thẳng vào người đi đường.

Với phương án xử lý ở tầm cao, vị KTS cũng không tin tưởng sẽ giúp giảm phản quang cho tòa nhà.

Vì thế, KTS Phan Đức Hải cho rằng, Sở Xây dựng phải đánh giá rất kỹ phương án đề xuất của chủ đầu tư, bởi theo ông, ở Đà Nẵng không chỉ có một tòa cao ốc này mà có rất nhiều cao ốc với thiết kế mặt tiếp xúc bên ngoài là kính.

Với tòa cao ốc này, Sở Xây dựng Đà Nẵng có khẳng định công trình đã sử dụng vật liệu kính cho mặt tiền công trình là kính màu vàng, có tác dụng phản quang không phù hợp với phương án kiến trúc là kính màu xanh được duyệt thì rõ ràng sai sót từ phía nhà đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn giám sát và như vậy, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm khắc phục và sửa chữa.

Tòa nhà trung tâm thương mại và văn phòng dịch vụ SHB Đà Nẵng.

Trách nhiệm của chính quyền

Dưới góc độ pháp lý, chia sẻ với Người đưa tin, luật sư Châu Việt Vương, Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng cho biết, theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định đối với tổ chức thi công công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới thì sẽ bị phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, tổ chức có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành.

Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thuê tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ, giao cơ quan chuyên môn về xây dựng cùng cấp thẩm định trước khi quyết định phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ.

Chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến việc cưỡng chế tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm: lập, thẩm định, phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ.

Luật sư Châu Việt Vương cũng đặt ra vấn đề về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong sự việc này: “Đây là 2 công trình lớn, ngay tại trung tâm thành phố, chủ đầu tư tự ý thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình và đã thực hiện xong nhưng chỉ khi người dân phản ánh mới phát hiện ra sai phạm”.

Hà Linh (tổng hợp)